Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Phòng thí nghiệm Trọng điểm Công nghệ Enzym và Protein (KLEPT), ngày 16/11/2023 tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã diễn ra Hội thảo "Từ Gen tới Protein lần II: Nghiên cứu cơ bản định hướng phát triển và ứng dụng Công nghệ sinh học"
Toàn cảnh hội thảo.
Hội thảo “Từ Gen tới Protein lần II” là sự tiếp nối thành công của hội thảo “Từ Gen tới Protein lần I” được tổ chức vào năm 2018. Hội thảo không chỉ là dịp để các thầy cô, các nhà khoa học gặp gỡ, trao đổi về những tiến bộ mới trong lĩnh vực công nghệ gen và protein mà còn là cơ hội tạo kết nối, hợp tác trong tương lai.
Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc ĐHQGHN, PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú, Trưởng Ban Khoa học Công nghệ, ĐHQGHN, GS.TS. Phan Tuấn Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Công nghệ Sự sống, ĐHQGHN, PGS.TS. Trần Quốc Bình, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN, cùng nhiều nhà khoa học đến từ các Trường đại học, Viện nghiên cứu trong và ngoài nước, các thầy cô khoa Sinh.học và toàn thể cán bộ KLEPT.
Khai mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ Enzym và Protein (KLEPT) đã phát biểu điểm lại quá trình xây dựng và phát triển Phòng thí nghiệm trong 20 năm qua.
PGS.TS. Nguyễn Quang Huy trình bày tóm tắt các thành tựu, kết quả nghiên cứu khoa học và đào tạo trong suốt chặng đường 20 năm qua và định hướng phát triển KLEPT giai đoạn tiếp theo.
PGS.TS. Phạm Bảo Sơn phát biểu tại Hội thảo
PGS.TS. Trần Quốc Bình, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN phát biểu.
“Việc thành lập KLEPT là một quyết định đúng đắn và sáng suốt của Bộ KH&CN, ĐHQGHN và Trường ĐHKHTN, thể hiện qua sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ sinh học ở trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của KLEPT” – PGS.TS. Trần Quốc Bình, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN khẳng định.
Nhân dịp này, ĐHQG đã trao tặng bằng khen cho cho tập thể Phòng thí nghiệm và 2 cá nhân (GS.TS. Phan Tuấn Nghĩa và PGS.TS. Trần Văn Tuấn) để ghi nhận những thành tựu đã đạt được của phòng và những đóng góp xuất sắc của các thầy cô và cán bộ KLEPT.
PGS.TS. Nguyễn Quang Huy, Giám đốc KLEPT (thứ hai từ trái sang) và PGS.TS. Trần Văn Tuấn, Phó Giám đốc KLEPT (thứ ba từ trái sang) đại diện tập thể phòng thí nghiệm nhận bằng khen từ ĐHQGHN.
GS.TS. Phan Tuấn Nghĩa (thứ hai từ trái sang) và PGS.TS. Trần Văn Tuấn (thứ ba từ trái sang) nhận bằng khen từ ĐHQGHN.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe 5 báo cáo về các vấn đề: Tìm kiếm enzyme mới từ vi nấm ưa điều kiện khắc nghiệt (PGS.TS. Vũ Nguyên Thành, Viện Công nghiệp thực phẩm, Bộ Công thương trình bày), Giải trình tự gen thế hệ mới trong nghiên cứu phân tử một số bệnh hiếm gặp tại Viện Nghiên cứu hệ gen (GS.TS. Nguyễn Huy Hoàng, Viện Nghiên cứu hệ gen trình bày), High-throughput assays for miRNA biogenesis enzyme mechanisms (PGS.TS. Nguyễn Tuấn Anh, Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong trình bày), Hệ thống biểu hiện protein tái tổ hợp trong Bacillus subtilis và tiềm năng ứng dụng (PGS.TS. Nguyễn Đức Hoàng, Trường ĐHKHTN, ĐHQG TPHCM trình bày), Một số kết quả phân tích hệ gen và kiểu hình đặc trưng của nguồn gen vi sinh vật Việt Nam (PGS.TS. Phí Quyết Tiến, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trình bày). Sau phần trình bày của các báo cáo viên, các đại biểu đặt câu hỏi, trao đổi, thảo luận để làm rõ một số vấn đề liên quan.
Ảnh Sinh viên và học viên cao học tham gia nghiên cứu tại phòng chuyên môn của KLEPT
Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ Enzym và Protein được thành lập tháng 5/2023 và là một trong số 17 phòng thí nghiệm trọng điểm được Bộ KH&CN phê duyệt trong Dự án xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm cấp quốc gia.
Với những đóng góp tích cực, Phòng thí nghiệm đã nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2018), cờ thi đua của Bộ GD&ĐT, bằng khen của Bộ KH&CN và nhiều bằng khen của ĐHQGHN, của Trường ĐHKHTN; nhiều cá nhân và nhóm nghiên cứu được nhận các giải thưởng Khoa học Công nghệ danh giá.
Một số hình ảnh tại hội thảo “Từ Gen tới Protein lần II: Nghiên cứu cơ bản định hướng phát triển và ứng dụng Công nghệ Sinh học” nhân dịp Kỷ niệm 20 năm thành lập KLEPT:
Lãnh đạo đương nhiệm KLEPT trao kỷ niệm chương tới GS.TS. Phan Tuấn Nghĩa, Giám đốc KLEPT giai đoạn 2009-2020) và PGS.TS. Trịnh Hồng Thái, Trưởng phòng Proteomic và Sinh học cấu trúc, giai đoạn 2009-2023. Đây là những nhà khoa học có những đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng và phát triển Phòng thí nghiệm
GS.TS. Phan Tuấn Nghĩa phát biểu.
Đại diện Phòng thí nghiệm trao kỷ niệm chương cho các vị khách mời
Đại diện Phòng thí nghiệm trao kỷ niệm chương cho các nhà tài trợ
PGS.TS. Nguyễn Quang Huy đang điều hành hội thảo.
GS.TS. Nguyễn Huy Hoàng (Viện Nghiên cứu hệ Gen- Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) trình bày báo cáo
PGS.TS, Nguyễn Tuấn Anh (Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kong) đang trình bày báo cáo.
Bên hành lang hội thảo.
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm.
Trong thời gian 20 năm kể từ ngày chính thức được thành lập, Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ Enzym và Protein đã và đang thực hiện gần 50 đề tài các cấp theo định hướng enzyme-protein hiện đại kết hợp với công nghệ sinh học tiên tiến phục vụ cuộc sống. Trong đó, có gần 10 đề tài cấp nhà nước, nhiều đề tài thuộc chương trình nghiên cứu cơ bản (NAFOSTED), 47 đề tài cấp ĐHQGHN và đề tài thuộc các Quỹ khác nhau theo hướng nghiên cứu cơ bản hay định hướng ứng dụng với 12 hoạt động chuyển giao công nghệ. Các cán bộ của Phòng thí nghiệm đã công bố trên 200 bài báo, phần lớn thuộc danh mục ISI/Scopus; xây dựng và hoàn thiện 10 sản phẩm khoa học dạng hiện vật, 15 sản phẩm dạng Quy trình có tính ứng dụng thực tiễn cao.
Một số thành tựu của Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ Enzym và Protein:
- Đã điều tra được một số hợp chất nguồn thực vật, vi sinh vật có khả năng điều hòa hoạt động của một số enzyme và có tiềm năng sử dụng làm thuốc (chống tiểu đường, béo phì).
- Đã phát hiện được một số protein chứa lectin có tiềm năng ứng dụng trong nhân dạng vi sinh vật gây ngộ độc thực phẩm.
- Đã phát hiện được nhiều loại đột biến gen gây bệnh ở người (cơ não, ung thư) và nhiều đặc trưng đa hình trong hệ gen của người Việt Nam.
Ngoài ra, Phòng thí nghiệm đã góp phần đào tạo được nhiều học viên sau đại học, đào tạo cử nhân ngành Sinh học và Công nghệ sinh học có chất lượng cao. Đây là những nguồn nhân lực ưu tú đã và đang có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành Sinh học, Công nghệ Sinh học nói riêng, cho nền khoa học nói chung.
--- Theo HUS Media, https://hus.vnu.edu.vn ---